-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Vào xưởng "thợ thuyền" để khám phá cách người nghệ nhân tạo nên 1 mô hình thế nào
Đăng: 03/12/2019 bởi Dương Đăng Khoa.
Con đường Công Trường Lam Sơn chỉ một đoạn nhỏ phía sau Nhà hát TP.HCM (quận 1) còn được biết đến là “bãi neo đậu” của thuyền mô hình được vài cửa hàng bán cho du khách nước ngoài. Nhưng để những chiếc thuyền này “ra khơi xa” lại là chuyện khác.
Anh Mạnh hoàn tất chiếc Soleil Royal của hải quân Pháp ra đời vào thế kỷ 17 - Ảnh: Lê Sơn |
Trong căn phòng trên lầu một ở nhà riêng tại quận 2 bấy lâu nay dùng làm showroom, anh Vương Đình Sắc, giám đốc Công ty Thiên Thương, lần lượt giới thiệu những chiếc thuyền mô hình từ loại cổ cho đến du thuyền hiện đại và cả chiến hạm được bài trí rất ấn tượng.
Có những chiếc thuyền gắn liền với các trận chiến lịch sử, có chiếc nổi lên từ phim ảnh như Ngọc Trai Đen trong Cướp biển Caribê, hoặc chỉ là sản phẩm thuần túy của ngành du lịch tàu thuyền như Queen Elizabeth II... Dù có kích thước khác nhau, tất cả đều được thu nhỏ theo một tỉ lệ chính xác qua bàn tay của những “thợ thuyền” ở Đồng Nai.
Kỳ công lắp ráp
Tại xưởng mộc rộng hơn 150m2 của anh Ngô Văn Mạnh (khu phố 9, P.Tân Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai, cách TP.HCM 41km) buổi sáng ngày cuối tuần khá yên ắng, không nghe thấy âm thanh đục đẽo, cưa cắt gỗ như ở các làng mộc. Gọi là làng nhưng đường nhựa khá rộng lớn, đủ để xe tải vào “ăn hàng” nội thất chở lên Sài Gòn và đi khắp các tỉnh miền Tây. Làm thuyền mô hình chỉ là một trong những hoạt động của những thợ mộc đến từ Bắc Ninh trong những năm 1950 dưới cái tên làng nghề Ngọc Đồng.
Xưởng của anh Mạnh có bốn người thợ đang làm công đoạn tạo khung thuyền như cắt, xẻ, mài gỗ... Ở căn nhà đối diện, các thợ trẻ đang gắn những chi tiết như cánh buồm vải, cột dây buồm, mỏ neo... lên chiếc USS Constitution nổi tiếng trong cuộc chiến Anh - Mỹ năm 1812, hiện có giá trên thị trường khoảng 5-6 triệu đồng tùy kích thước. Một chiếc đang nằm nghiêng “tắm nắng” sau những tuần lễ trời liên tục mưa do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới.
Bên trong xưởng, trên chiếc kệ dọc tường có kê hơn 30 mẫu thuyền cổ đủ loại bám đầy bụi mạt cưa, có kích thước tương đương nhau, dài 70-90cm. Tất cả máy móc từ máy cưa cắt, chà, đánh bóng... đều nhỏ gọn. “Ở đây cái gì cũng nhỏ như đồ chơi. Nhưng làm cái nhỏ mới khó, cầu kỳ, chứ làm cái lớn thì dễ dàng với chúng tôi rồi” - anh Mạnh giải thích. Cũng như thợ đóng bàn ghế thủ công mỹ nghệ, nghề làm thuyền mô hình chỉ học qua công việc thực tế, tay nghề nâng dần đến thợ phó, rồi thợ cả. Anh Mạnh theo nghề vào cuối những năm 1990 từ người cậu hiện đã định cư ở nước ngoài.
“Tôi theo ông cậu hơn năm năm trời mới có thể làm được, trước đó chỉ phụ những công đoạn như cưa xẻ gỗ, căng dây buồm, sơn phết mà thôi. Những công đoạn khác như lắp ráp, đặc biệt là phân tích bản vẽ, tỉ lệ sản phẩm thì không phải ai cũng làm được” - anh nhấn mạnh cái khó của nghề.
Thợ lắp ráp những chi tiết cuối cùng lên chiếc USS Constitution - Ảnh: Lê Sơn |
Cầm trên tay chiếc thuyền HMS Victory của hải quân hoàng gia Anh thế kỷ 18 đang dần hoàn thiện, anh Mạnh cũng không biết chính xác có bao nhiêu chi tiết lắp ráp trên đó. Anh nói: “Chiếc này vừa khó vừa cầu kỳ nên lúc đầu chúng tôi đắn đo không muốn nhận làm. Ngoài khung thuyền thì hàng loạt chi tiết nhỏ như neo, bánh lái, người lính, súng, đại bác lớn nhỏ... đều phải được tính toán kích thước phù hợp và tạo khuôn đúc lại từ đầu. Khó khăn nhất là những đường cong của khung tàu đòi hỏi phải biết xẻ gỗ vừa đủ độ. Xẻ gỗ quá dày sẽ khiến tàu nặng, thô và khó uốn, còn nếu quá mỏng sẽ khiến thuyền có những vết nứt, thậm chí vỡ”.
Người làm “thợ thuyền” thì nhiều, nhưng được làm thợ cả chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khi nhận thuyền mẫu từ những hộp đồ gỗ lắp ráp ở Đức, Ý... hoặc bản vẽ kỹ thuật của khách hàng, thợ cả phải thể hiện kinh nghiệm của mình bằng việc tính toán chính xác tỉ lệ kích thước thu gọn theo mong muốn, triển khai các công đoạn tạo khuôn mẫu cho thợ phụ thực hiện. Anh Mạnh cho biết chuyện hư hỏng mẫu thiết kế ban đầu không phải là hiếm.
Mỗi thợ cả thường chỉ chuyên về một loại thuyền. Thuyền cổ thì màu sắc thô mới đẹp, thậm chí chỉ cần chọn màu gỗ đúng ý cho phần thân thuyền, nhưng du thuyền hiện đại thì đòi hỏi phải tốt nước sơn. Ông Đỗ Vỹ - chủ xưởng mộc ở ấp Tân Bình, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, Đồng Nai, chuyên làm loại du thuyền - cho biết nếu màu sơn không bóng đẹp, đều thì sản phẩm bị loại ngay chứ đừng nói đến chuyện có lỗi sơn dù là nhỏ nhất. Một chiếc du thuyền ít nhất phải được sơn bốn lớp trước khi đánh bóng.
Các tin khác
- Mô hình thuyền buôn phong thuỷ FRANCE 2 - Con tàu chở vàng bạc vào nhà 16/03/2020
- Bí quyết trưng bày thuyền buồm gỗ phong thuỷ giúp mang lại tài lộc cho gia chủ 16/03/2020
- Ý nghĩa của việc trưng bày mô hình thuyền buồm trong nhà 16/03/2020
- Mô hình Súng gỗ Trang trí - Món đồ chơi của hoài niệm 02/03/2020
- Thuyền buồm mô hình - Món quà cho những dân chơi tinh tế, độc lạ 03/12/2019
- Mô Hình Thuyền Buồm - Món Quà Ý Nghĩa Dành Tặng Doanh Nhân 03/12/2019